Ngày 01/10/2021, Thanh tra Chính phủ ban hành Thông tư số 05/2021/TT-TTCP về việc quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh (sau đây gọi chung là đơn).
Theo đó, đơn được tiếp nhận để phân loại và xử lý từ các nguồn sau đây:
- Đơn được gửi qua dịch vụ bưu chính.
- Đơn được gửi đến Trụ sở tiếp công dân, Ban tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân, bộ phận tiếp nhận đơn hoặc qua hộp thư góp ý của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
- Đơn do lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo các cơ quan Đảng chuyển đến.
- Đơn do Đại biểu Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội,…chuyển đến theo quy định của pháp luật.
Việc phân loại đơn được quy định cụ thể:
- Dựa vào nội dung trình bày trong đơn, mục đích, yêu cầu của người viết đơn, không phụ thuộc vào tiêu đề của đơn.
- Phân loại theo điều kiện xử lý, bao gồm: đơn đủ điều kiện xử lý và đơn không đủ điều kiện xử lý.
- Phân loại đơn thuộc thẩm quyền và đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết của người đứng đầu cơ quan tổ chức, đơn vị mình.
- Đơn theo số lượng người khiếu nại, người tố cáo, người kiến nghị, tố cáo.
- Phân theo thẩm quyền giải quyết.
Bên cạnh đó, đối với đơn không đủ điều kiện xử lý, đơn khiếu nại có quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật; đơn tố cáo đã có kết luận nội dung tố cáo và quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật mà người tố cáo không cung cấp được thông tin, tài liệu, chứng cứ mới thì sẽ lưu đơn trong thời hạn 01 năm.
Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 15/11/2021; Thông tư số 07/2014/TT-TTCP ngày 31/10/2014 của Thanh tra Chính phủ hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực pháp luật.
Nguồn tin: Vũ Văn Bình