Liên kết Website

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

1
0
8
2
2
3
4

SỐ LƯỢT ĐANG ONLINE

0
0
0
0
0
0
2
Bản in
Tin tức sự kiện | Tin ngành thứ tư, Ngày 15/05/2019, 14:06

Họp Ban soạn thảo dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)


Chiều ngày 14/05/2019, tại Trụ sở Bộ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung, Trưởng ban soạn thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) đã chủ trì cuộc họp lấy ý kiến các thành viên Ban soạn thảo; các Bộ, ngành liên quan nhằm hoàn thiện dự thảo tờ trình của Chính phủ về dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, khai mạc ngày 20/5 .Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí: Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Lê Quân cùng đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, TƯ.Hội NDVN, Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI), Viện kiểm sát nhân dân tối cao và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ.
 

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Trưởng ban soạn thảo cho biết, đây là một Bộ Luật khổng lồ, lần sửa đổi này gần như toàn diện (với 221 điều, giảm 21 điều so với Bộ Luật hiện hành) với nhiều nội dung mới, nhạy cảm chưa có trong tiền lệ cần phải được bàn kỹ lưỡng, trên cơ sở đảm bảo quyền lợi của NLĐ, phù hợp với pháp luật quốc tế trong thời kỳ hội nhập.

 

Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi làm việc

 

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, để hoàn thiện dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), Ban soạn thảo đã nhận được ý kiến đóng góp của 70 Bộ ngành, hiện Bộ luật đang được tiếp tục lấy ý kiến nhân dân. Bên cạnh việc xây dựng Bộ Luật lao động (sửa đổi), Ban soạn thảo cũng song song xây dựng dự thảo 14 Nghị định hướng dẫn thi hành để ngay sau khi Bộ Luật được Quốc hội thông qua (dự kiến kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV) và có hiệu lực thi hành, Luật có thể đi ngay vào cuộc sống.

 

“Đến nay, cơ bản dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã hoàn tất và đủ điều kiện để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV. Chính phủ đã cho ý kiến 2 lần; Bộ Tư pháp đã thẩm định chính thức; Dự thảo Bộ luật đã được đăng tải lấy ý kiến nhân dân trên cổng thông tin Chính phủ; Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã thẩm định sơ bộ; UBTV Quốc hội đã nghe và cho ý kiến tại phiên họp thứ 34 (tháng 5/2019)”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

 

Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Doãn Mậu Diệp phát biểu tại buổi làm việc

 

Tiếp thu ý kiến của UBTV Quốc hội tại phiên họp thứ 34, Ban soạn thảo đã dự thảo Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) để trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 7. “Nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) và dự thảo tờ trình của Chính phủ về dự thảo Bộ luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, ban soạn thảo mong tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp của các thành viên Ban soạn thảo, các Bộ ngành có liên quan. Kể cả các ý kiến trái chiều, để Ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện dự thảo Bộ Luật một cách đầy đủ, chất lượng cao nhất. Đảm bảo khi Luật được thông qua sẽ đi vào cuộc sống”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị. 

 

Đại diện thành viên Ban soạn thảo chia sẻ ý kiến tại buổi làm việc

 

Cũng tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Doãn Mậu Diệp, Tổ trưởng tổ soạn thảo dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) khẳng định: “Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu nam 62, nữ 60 quy định trong dự thảo Luật là đối với lao động bình thường, làm việc trong điều kiện bình thường. Còn đối với các lĩnh vực lao động đặc thù khác sẽ do Chính phủ quy định”.

 

Cũng theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, việc Chính phủ lựa chọn phương án 1, kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng lên 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. “Với lộ trình tăng tuổi như vậy thì phải đến năm 2036, tuổi nghỉ hưu của lao động nữ mới là 60 tuổi; đến năm 2029 tuổi nghỉ hưu của lao động nam mới là 62 tuổi”, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết thêm.

 

Kết thúc cuộc họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu. “Trên cơ sở ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu, Ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện dự thảo Bộ luật và dự thảo tờ trình của Chính phủ một cách chất lượng nhất để trình ra Quốc hội”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

 

Theo: http://molisa.gov.vn/


Bản in