Liên kết Website

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

1
0
8
2
2
3
4

SỐ LƯỢT ĐANG ONLINE

0
0
0
0
0
0
2
Bản in
Tin tức sự kiện | Tin ngành thứ năm, Ngày 16/05/2019, 10:28

Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công!


Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định công tác vận động quần chúng là một nhiệm vụ chiến lược, có ý nghĩa quyết định cho sự thành bại của cách mạng trong bất cứ điều kiện và hoàn cảnh nào. Tư tưởng đó đã được Người thể hiện sinh động trong tác phẩm "Dân vận" đăng trên báo Sự Thật số ra ngày 15/10/1949 với bút danh "X.Y.Z".

 

Bác Hồ dùng thử máy cấy lúa cải tiến tại Trại thí nghiệm trồng lúa Sở Nông lâm Hà Nội. Ảnh tư liệu

 

Mở đầu bài báo, Bác Hồ đã nhắc nhở: “Vấn đề Dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng, cho nên cần phải nhắc lại”. Do “chưa hiểu thấu, làm chưa đúng” cho nên Bác nhắc lại bốn vấn đề cốt tử: Nước ta là nước dân chủ; dân vận là gì?; ai phụ trách dân vận?; dân vận phải thế nào? Bài báo chỉ hơn 600 chữ, với cách đặt câu hỏi và trả lời ngắn gọn, nhưng đã đề cập một cách toàn diện những nguyên lý cơ bản nhất trong công tác dân vận của Đảng.

 

Đặc biệt, trong bài viết, Bác Hồ đã chỉ rõ: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân đều phải phụ trách dân vận”. Rõ ràng, công tác dân vận không chỉ là công việc của Mặt trận, các đoàn thể mà phải là công việc thường xuyên và quan trọng của chính quyền các cấp. Nói một cách khác là công tác dân vận phải là trách nhiệm, nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị.

 

 

Đặt vấn đề ai phụ trách dân vận?, Bác Hồ cũng chỉ rõ: “Cán bộ chính quyền và cán bộ đoàn thể địa phương phải cùng nhau bàn tính kỹ càng, cùng nhau chia công rõ rệt, rồi cùng nhau đi giải thích cho dân hiểu, cổ động dân, giúp dân đặt kế hoạch, tổ chức nhân công, sắp xếp việc làm, khuyến khích, đôn đốc, theo dõi, giúp đỡ dân giải quyết những điều khó khăn…”.

 

Qua thực tế của tỉnh Đắk Nông cũng cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, thì công tác dân vận ở một số cơ quan, đơn vị và cơ sở vẫn chưa thật sự thấu đáo, còn không ít hạn chế. Tại các cuộc tiếp xúc của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, cử tri, người dân ở các địa phương vẫn thường xuyên phản ánh những bức xúc, bất cập về việc các cấp chính quyền nơi này nơi nọ còn chưa quan tâm, thờ ơ với đời sống của dân. Vì vậy, việc tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện nhiều vấn đề liên quan đến cuộc sống hàng ngày của người dân vẫn còn diễn ra, gây mất an ninh trật tự.

 

Nguyên nhân còn tình trạng trên một phần lớn là do nhận thức về công tác dân vận của một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị và một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa thật sự sâu sắc, chưa quan tâm đúng mức yêu cầu thực hiện công tác dân vận. Mặt khác, do trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ít nhiều còn hạn chế nên trong thực hiện công tác dân vận có lúc có nơi còn thiếu tính sáng tạo, linh hoạt.

 

Bác Hồ đã viết: “Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc. Khuyết điểm to ở nhiều nơi là xem khinh việc dân vận. Cử ra một ban hoặc vài người, mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ. Vận được thì tốt, vận không được cũng mặc. Những cán bộ khác không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm dân vận. Đó là sai lầm rất to, rất có hại”.

 

Rõ ràng, vai trò dân vận của chính quyền là rất quan trọng, liên quan đến mọi mặt đời sống của người dân, nhất là trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của mỗi địa phương. Nếu chính quyền không quan tâm, chú trọng đến công tác dân vận thì tất yếu sẽ nảy sinh những khiếu kiện kéo dài trong dân. Làm tốt công tác dân vận thì mới giải quyết được vấn đề khiếu nại, khiếu kiện, góp phần yên dân, làm cho dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

 

Vì vậy, yếu tố quan trọng hàng đầu là phải nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là vai trò của cán bộ lãnh đạo về công tác dân vận. Nơi nào, đơn vị nào mà lãnh đạo quan tâm đúng mức và có những chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể gắn với nhiệm vụ chuyên môn thì ở nơi đó sẽ thực hiện tốt công tác dân vận. Chương trình, kế hoạch thực hiện công tác dân vận của chính quyền không những phải gắn với nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, chăm lo đời sống Nhân dân mà còn phải gắn với việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tinh thần, thái độ “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.

 

Công tác dân vận còn phải đặt trong mối quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng nhất quán quan điểm và hành động. Chính quyền, các cơ quan, đơn vị phải thực hiện nghiêm túc các loại hình dân chủ ở cơ sở, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm minh những hành vi sách nhiễu, xâm phạm đến các quyền lợi và lợi ích chính đáng của người dân. Cùng với việc chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cần phải tăng cường đi cơ sở, bám sát địa bàn để gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại trực tiếp và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân. Có như vậy mới tạo được sự đồng thuận trong toàn thể cán bộ, đảng viên, Nhân dân khi thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ở  mỗi địa phương.

 

Đoạn cuối bài viết, Bác Hồ cũng khẳng định: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Những lời dạy ân cần của Bác càng làm cho mỗi chúng ta cần phải suy ngẫm, thấy rõ thiếu sót, khuyết điểm, làm tốt hơn phận sự của mỗi người.

 

Theo:  http://baodaknong.org.vn


Bản in