Liên kết Website

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

1
0
8
2
2
3
4

SỐ LƯỢT ĐANG ONLINE

0
0
0
0
0
0
2
Bản in
Trẻ em và bình đẳng giới thứ tư, Ngày 08/11/2023, 15:28

Thực trạng, giải pháp phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em trên địa bàn tỉnh Đắk Nông


Trong 10 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 122 vụ tai nạn thương tích, làm 92 em bị thương và 37 em tử vong, trong đó 26 vụ tai nạn đuối nước làm 30 em tử vong; 04 vụ tai nạn giao thông làm 04 trẻ em tử vong; 02 vụ với 02 em tử vong do bị chó dại cắn; 01 vụ trẻ em tử vong vì treo cổ tự tử. Trẻ em tử vong do đuối nước tiếp tục là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em, chiếm 81% số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích. So với cùng kỳ năm 2022, số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích tăng 14 em, trong đó số trẻ em tử vong do đuối nước tăng 7 em so với cùng kỳ năm trước (30/23).

Từ đầu năm đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành công văn số 334/SLĐTBXH-TE&BĐG ngày 12/3/2023 về việc Hướng dẫn công tác trẻ em năm 2023; Công văn số 535/SLĐTBXH-TE&BĐG về việc bảo đảm an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em.

Tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, tăng cường phòng, chống tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh như: Công văn số 2355/UBND-KGVX ngày 05/05/2023 của UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em; Kế hoạch số 277 /KH-UBND ngày 25/4/2023, triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 trên địa bàn tỉnh; công văn 5252/UBND-KGVX ngày 08/9/2023 về việc tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống đuối nước; công văn 5989/UBND-KGVX ngày 9/10/2023 về việc bảo đảm môi trường sống an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước ở trẻ em.

Thi công, lắp đặt biển cảnh báo phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em tại các hồ, đập, sông, suối trên địa bàn huyện Krông Nô, Cư Jút; đặt mua 710 cuốn sách tuyên truyền về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em cấp phát cho 71/71 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Treo băng zôn, khẩu hiệu tuyên truyền về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em nhân dịp Tháng hành động vì trẻ em, Tết trung thu tại các trục đường chính của một số huyện, thành phố.

Các Sở, ban, ngành của tỉnh, các địa phương tạo nhiều sân chơi giải trí lành mạnh, bổ ích, khuyến khích phát triển thể chất, tư duy, năng khiếu cho trẻ em; thực hiện tuyên truyền phòng chống tai nạn thương tích trẻ em trong trường học, trong đó tập trung về kiến thức công tác phòng chống đuối nước và an toàn giao thông; tổ chức các lớp dạy bơi cho trẻ em. Thường xuyên triển khai việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong hoạt động giáo dục. Tích cực, lồng ghép các hoạt động ngoại khóa phù hợp với cấp học, năng lực, sự phát triển của trẻ em.

Ngoài ra, triển khai thực hiện các chính sách liên quan đến phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em: Đối với các trường hợp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bị thương nặng hoặc tử vong do tai nạn, thương tích, các cấp chính quyền địa phương hỗ trợ đột xuất cho gia đình trẻ bị nạn theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

Khó khăn, tồn tại và nguyên nhân

Vấn đề trẻ em bị tai nạn thương tích, đặc biệt là tại nạn đuối nước luôn là vấn đề cần quan tâm giải quyết. Thực tế này đặt ra cần có nhiều giải pháp thiết thực đồng bộ để bảo đảm an toàn cho trẻ em. Tuy nhiên, cho đến nay việc triển khai Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em ở các ngành, các cấp còn hạn chế, chưa thường xuyên, liên tục.

Công tác thông tin, truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em, hộ gia đình, trường học, cộng đồng và xã hội chưa thường xuyên, sâu rộng, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa.

Các công trình hồ bơi dành cho trẻ em của tỉnh có rất ít so với nhu cầu thực tế, hiện toàn tỉnh chỉ có 12 hồ bơi cố định và di động.

Nguyên nhân tai nạn thương tích trẻ em

Qua theo dõi số trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước chủ yếu xảy ra tại các ao, hồ của hộ gia đình, nhất là những hồ bạt tích nước để tưới cà phê vào mùa khô, điều đó chỉ ra rằng ý thức trách nhiệm của gia đình đối với việc bảo đảm an toàn cho trẻ em chưa cao; bố mẹ, người chăm sóc trẻ thiếu sự giám sát thường xuyên đối với trẻ. Nhận thức của người dân, gia đình, cộng đồng về công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em còn hạn chế. Trẻ em thiếu các kỹ năng phòng, tránh tai nạn, thương tích. Môi trường sống tại gia đình, nhà trường, cộng đồng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn thương tích trẻ em, địa bàn rộng, nhiều ao hồ, sông, suối. Trẻ em thiếu các điểm vui chơi, giải trí, sân chơi lành mạnh, an toàn.

Nguồn lực đầu tư cho công tác phòng chống tai nạn thương tích trẻ em chưa được quan tâm đúng mức cả về nhân lực và kinh phí, vì vậy chưa thể thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng tránh tai nạn thương tích trẻ em.

Giải pháp tiếp tục thực hiện trong thời gian tới

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Đầu tư nguồn lực tài chính cho công tác phòng chống tai nạn thương tích trẻ em.

Đẩy mạnh, thông tin, truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em, hộ gia đình, trường học, cộng đồng và xã hội.

Nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức, cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp, các ngành, đoàn thể liên quan về công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.

Triển khai các hoạt động phòng, chống đuối nước trẻ em; đảm bảo thực hiện các quy định an toàn trong môi trường nước, các quy định an toàn khi tham gia giao thông đường thủy theo quy định. Đẩy mạnh việc xây dựng các khu vui chơi, giải trí dành cho trẻ em.

Tăng cường công tác phối hợp liên ngành về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Vận động các tổ chức xã hội, cộng đồng, doanh nghiệp tham gia công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.

                                                                      Hoàng Vân


Bản in