Liên kết Website

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

1
0
8
2
2
3
4

SỐ LƯỢT ĐANG ONLINE

0
0
0
0
0
0
2
Bản in
Trẻ em và bình đẳng giới thứ tư, Ngày 08/11/2023, 10:04

Tăng cường phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em


Trong 10 tháng đầu năm 2023, theo thống kê của các cơ quan chức năng, toàn tỉnh xảy ra 26 vụ, 31 đối tượng, xâm hại 27 trẻ em. Tuy nhiên, trên thực tế có những vụ xâm hại không được khai báo do nhiều nguyên nhân khác nhau. Do vậy, số vụ trẻ em bị xâm hại trên thực tế có thể cao hơn so với số báo cáo. Thời gian gần đây, nổi lên tình trạng các đối tượng thực hiện hành vi xâm hại là người có mối quan hệ quen biết với các nạn nhân (người trong gia đình, quen thân, hàng xóm).

Xâm hại trẻ em để lại hậu quả vô cùng nặng nề về thể chất, tâm lý, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Nhưng hậu quả lớn nhất mà hành vi xâm hại gây ra đối với trẻ em là những tổn thương về tinh thần, trẻ dễ bị mặc cảm, tự ti, hoảng loạn, xuất hiện các ảo giác bệnh lý (luôn có cảm giác bất an, giật mình,…) . Nhiều trường hợp, các em không dám kể với người khác, tố cáo đối tượng phạm tội một phần do xấu hổ, một phần khác do bị đe dọa dẫn tới gánh nặng tâm lý ngày càng nghiêm trọng.

Tuy nhiên, một trong những dấu hiệu tích cực đó là lượng thông tin, thông báo tố giác hành vi xâm hại trẻ em tăng lên so với thời gian trước đây do nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao. Đặc biệt là việc tiếp nhận, xử lý thông tin, xử lý vụ việc, bảo mật thông tin, cung cấp dịch vụ hỗ trợ của các cơ quan chức năng được thực hiện theo quy định, từng bước củng cố niềm tin cho người dân và các tổ chức xã hội vào hiệu lực, hiệu quả của việc phòng, chống, ngăn chặn xâm hại trẻ em.

Nguyên nhân của tình hình xâm hại trẻ em

Gia đình, người chăm sóc trẻ em thiếu sự quản lý, quan tâm, chia sẻ vấn đề giới tính đối với trẻ em. Một số gia đình có con bị xâm hại nhưng không tố giác tội phạm vì tâm lý sợ ảnh hưởng tương lai về sau của trẻ, sợ xấu hổ nên cam chịu hoặc thương lượng, hòa giải. Dẫn đến tình trạng bỏ sót tội phạm và nạn nhân chậm được chăm sóc, hỗ trợ.

Trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt chiếm số lượng lớn, tập trung ở các nhóm trẻ em số trong gia đình nghèo, cận nghèo, bố mẹ ly hôn, bố mẹ đi làm ăn xa, gia đình có người mắc các tệ nạn xã hội, gia đình có người vi phạm pháp luật… không có điều kiện chăm sóc, quản lý, giáo dục các em, thường để các em ở nhà một mình, gửi cho đối tượng không đáng tin cậy là nguyên nhân nảy sinh các hành vi bạo lực, xâm hại, nhất là xâm hại tình dục đối với trẻ em. Bên cạnh đó là sự thiếu thốn tình cảm, sống trong hoàn cảnh gia đình không hoàn thiện, không được học hành chu đáo, các em bị lợi dụng, rủ rê vào các hành vi phạm tội và bị các đối tượng xấu dụ đỗ. Bên cạnh đó, không ít gia đình do bố mẹ, người lớn sống thiếu gương mẫu, thiếu trách nhiệm với con cái cũng tạo ra sự mất an toàn cho trẻ em ngay trong chính gia đình mình.

Công tác thông tin, truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về phòng, chống xâm hại trẻ em chưa thường xuyên, sâu rộng, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, các chương trình truyền thông về kiến thức, kỹ năng bạo vệ trẻ em cho trẻ em chưa đầy đủ. Cộng đồng dân cư chưa nhận thức đầy đủ hành vi quan hệ tình dục với người dưới 16 tuổi, nhiều trường hợp không biết đó là hành vi vi phạm pháp luật, cho đó là chuyện riêng của mỗi gia đình, từ đó chưa thể hiện trách nhiệm trong bảo vệ trẻ em, chưa có ý thức phòng ngừa và tố giác tội phạm.

Để chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và kịp thời hỗ trợ can thiệp đối với xâm hại trẻ em cần phải đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp sau:

Giải pháp về thể chế, chính sách

Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, các cấp đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; nâng cao hiệu quả hoạt động công tác bảo vệ trẻ em ở các cấp, các ngành.

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thi hành chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em chú trọng tại các địa phương xảy ra nhiều vụ việc xâm hại tình dục trẻ em.

Đưa chương trình giáo dục vấn đề xâm hại trẻ em, giáo dục giới tính vào trong nhà trường theo từng độ tuổi cho phù hợp.

Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành trong công tác bảo vệ trẻ em các cấp.

Giải pháp về tổ chức thực hiện

Tiếp tục chỉ đạo, tổ chức triển khai đầy đủ, kịp thời các Chương trình, kế hoạch, đề án, chính sách cho trẻ em. Củng cố và phát triển hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em bị xâm hại, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại theo 3 cấp độ: Phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp. Thực thi tốt hơn nữa các quy định của pháp luật về trách nhiệm chủ trì, trách nhiệm phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý nghiêm minh các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền trẻ em.

Tăng cường tuyên truyền, tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Trẻ em, giáo dục kiến thức pháp luật về chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em tại địa phương; giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, phòng, chống bạo lực, xâm hại cho trẻ em, ưu tiên việc trang bị các kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, xử trí các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.

Đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ trẻ em, trợ giúp, hỗ trợ kịp thời trẻ em thuộc diện hộ nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em sống ở vùng biên giới, trẻ em thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, giảm thiểu tình trạng trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị xâm hại, bạo lực.

Trẻ em cần thực hiện tốt hơn nữa bổn phận của mình đối với gia đình, nhà trường, xã hội và bản thân; chăm ngoan, học giỏi, rèn luyện các kỹ năng để tự bảo vệ chính mình. Phấn đấu trở thành những công dân khỏe mạnh cả về trí tuệ, thể lực và tinh thần.

Khi phát hiện hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em cần gọi ngay tới Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 hoặc các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan để được hỗ trợ. Thực hiện kịp thời, hiệu quả việc tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác, hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em và can thiệp, hỗ trợ cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại.

Giải pháp về nguồn lực: Tiếp tục bố trí ngân sách thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, ưu tiên bố trí kinh phí tổ chức triển khai công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.

Xâm hại trẻ em là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, vi phạm quyền trẻ em, bằng mọi cách phải phòng ngừa, ngăn chặn và nghiêm trị. Tuy nhiên, đây là thực trạng không thể giải quyết dứt điểm trong một thời gian ngắn, là nhiệm vụ không chỉ riêng của ngành nào, cấp nào, mà cần sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn xã hội. Các đơn vị, địa phương trên toàn tỉnh cần chung tay xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ em để đảm bảo mọi trẻ em đều được phát triển một cách toàn diện.

 

            Nguồn tin: Hoàng Thị Vân


Bản in