Liên kết Website

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

1
0
8
2
2
3
4

SỐ LƯỢT ĐANG ONLINE

0
0
0
0
0
0
2
Bản in
Trẻ em và bình đẳng giới thứ tư, Ngày 08/11/2023, 09:48

Những thách thức chủ yếu trong thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam hiện nay


Trong xã hội ngày nay, cụm từ “Bình đẳng giới” đã không còn xa lạ đối với nhiều người. Bình đẳng giới có nghĩa là nam giới và phụ nữ có thể trải nghiệm những điều kiện bình đẳng để phát huy đầy đủ các tiềm năng của họ, có cơ hội để tham gia, đóng góp và hưởng lợi bình đẳng từ công cuộc phát triển quốc gia trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội. Các khía cạnh bình đẳng giữa nam và nữ được thể hiện: các cơ hội, các quyền, trách nhiệm, vị thế. Trên thực tế, đảm bảo bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ đang là một thách thức lớn, cụ thể:

Những thách thức mang tính cấu trúc

Trình độ phát triển kinh tế - xã hội: Việt Nam vẫn ở mức tương đối thấp về phát triển kinh tế - xã hội, năm 2022 xếp thứ 117 thế giới về GDP bình quân đầu người (4.162,94 USD); xếp thứ 115/191 quốc gia và vùng lãnh thổ xếp hạng về HDI - chỉ số phát triển con người; sự quan tâm giải quyết các vấn đề bất bình đẳng giới chưa nhiều.

Chênh lệch về trình độ học vấn của nam/nữ: Càng lên bậc học càng cao càng có sự chênh lệch về giới. Năm 2021 có 34,5% nữ học viên, học sinh, sinh viên được tuyển mới thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp (tăng 2,9% so với năm 2020). Năm 2019, tỷ lệ nữ thạc sỹ là 44,3%, nữ tiến sỹ là 28% (chưa đạt chỉ tiêu trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới gai đoạn 2021-2030: tỷ lệ nữ thạc sĩ trong tổng số người có trình độ thạc sĩ đạt không dưới 50% từ năm 2025 trở đi. Tỷ lệ nữ tiến sĩ trong tổng số người có trình độ tiến sĩ đạt 30% vào năm 2025 và 35% vào năm 2030).

Chênh lệch về tỷ lệ nam/nữ trong các nghề nghiệp chuyên môn và quản lý, trong phân công lao động: Tỷ lệ nữ ít hơn so với nam giới trong các lĩnh vực quản lý và khoa học, trong khu vực chính thức và cơ quan nhà nước, trong các ngành khoa học tự nhiên, công nghệ và các ngành kỹ thuật nói chung.

Thời gian làm công việc nhà (không được trả lương) của nữ cao hơn đáng kể so với nam. Thời gian làm việc nhà như: dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo, nấu ăn, đi chợ, chăm sóc gia đình và con cái… của phụ nữ Việt Nam cao gấp 2 lần so với nam (20,2 so với 10,7 giờ/tuần).

Tỷ lệ nữ đảm nhận các vị trí ra quyết định còn quá thấp: Nữ chiếm gần 50% lực lượng lao động nhưng chỉ nắm chưa đến 1/4 tổng số các vị trí lãnh đạo, quản lý.

Những thách thức mang tính thể chế

Bộ máy hoạt động vì bình đăng giới cồng kềnh, chồng chéo, chưa phân định rõ chức năng nhiệm vụ…, nhiều cơ quan tồn tại kiểu hình thức. Tại các bộ, ngành, địa phương, hầu hết cán bộ làm công tác bình đẳng giới đều kiêm nhiệm và thường xuyên thay đổi nên hiệu quả công tác còn hạn chế. Luật pháp, chính sách về bình đẳng giới triển khai chậm, việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về công tác phụ nữ, cán bộ nữ chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ. Nguồn kinh phí bố trí cho việc thực hiện công tác bình đẳng giới hạn hẹp. Thông tin về giới ở nhiều lĩnh vực còn thiếu và chưa đồng bộ.

Một số chính sách được tạo ra để “bảo vệ phụ nữ” nhưng đang gây ra nhiều bất lợi cho phụ nữ - mâu thuẫn với cơ chế thị trường (quy định về tuổi nghỉ hưu ảnh hưởng đến công tác tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, thực tế, luân chuyển, đánh giá bổ nhiệm cán bộ…; yêu cầu cơ quan sử dụng lao động thực hiện ưu đãi lao động nữ và đảm bảo một số điều kiện đặc biệt như nghỉ thai sản, chăm sóc trẻ em…) là những yếu tố rào cản đáng kể khiến các doanh nghiệp không muốn tuyển lao động nữ vào làm việc. Mặc dù, Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020 của Chính phủ đã điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 đối với và 60 đối với nữ, thực hiện theo lộ trình bắt đầu từ năm 2021 nhưng vẫn còn có sự phân biệt đối xử giới chưa được giải quyết triệt để.

Hệ thống mạng lưới nghề nghiệp hỗ trợ lãnh đạo nữ chưa phát triển.

Thách thức mang tính văn hóa

Văn hoá gia trưởng, trọng nam khinh nữ vẫn tồn tại khá phổ biến cả trong gia đình, công sở và xã hội.

Lao động chăm sóc không được trả công chủ yếu do phụ nữ đảm nhiệm và được coi là đương nhiên.

Hành vi ứng xử ở nơi làm việc vẫn tiếp tục củng cố định kiến giới, hạn chế cơ hội thăng tiến của phụ nữ.

Định kiến giới tồn tại trong chính phụ nữ dẫn đến thiếu tự tin, nhận thức sai về hành vi quảng bá bản thân, hạn chế động lực phấn đấu, hạ thấp mục tiêu, kế hoạch…

Các giải pháp khắc phục

Thúc đẩy đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; thu hẹp khoảng cách giới bằng cách tăng cường quan tâm, đầu tư cho phụ nữ và trẻ em trong giáo dục, đào tạo; tăng cường sự hiện diện của nữ trong một số lĩnh vực thường được coi là “của nam giới” thông qua các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ; nhà nước, cộng đồng chia sẻ trách nhiệm chăm sóc trẻ em, người cao tuổi, người bệnh thông qua các dịch vụ xã hội; truyền thông thay đổi vai trò của nam giới trong gia đình: Chia sẻ trách nhiệm trong các công việc lao động không được trả công.

Tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác bình đẳng giới. Đầu tư nguồn lực tài chính cho công tác bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.

Đẩy mạnh, thông tin, truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới. Xem việc thực hiện bình đẳng giới là một công việc lâu dài và cần sự phối hợp đồng bộ của toàn xã hội. Trách nhiệm bình đẳng giới không chỉ là trách nhiệm của mỗi cá nhân, mà là trách nhiệm của mỗi gia đình và toàn xã hội; là cơ sở quan trọng để xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về bình đẳng giới; nghiên cứu xây dựng và triển khai các chương trình, đề án nhằm giảm khoảng cách giới trong một số ngành, lĩnh vực đang tồn tại bất bình đẳng giới. Sắp xếp lại bộ máy hoạt động vì bình đẳng giới theo hướng tinh giản, phân định rõ chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan, đảm bảo hiệu quả hoạt động thực chất.

Kết luận: Hiện đang có khá nhiều rào cản đối với việc thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam, việc chỉ tập trung giải quyết từng nhóm rào cản một cách đơn lẻ không thể giúp giải quyết vấn đề một cách triệt để. Do đó, tình trạng bình đẳng giới chỉ có thể được cải thiện một cách đáng kể trên cơ sở thực hiện đồng bộ các giải pháp, giải quyết tận gốc và căn bản các nhóm rào cản, thách thức đang hiện hữu./.

 

Nguồn tin: Nguyễn Thị Ngọc


Bản in