Liên kết Website

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

1
0
8
2
2
3
4

SỐ LƯỢT ĐANG ONLINE

0
0
0
0
0
0
2
Bản in
Lao động việc làm và giáo dục nghề nghiệp thứ năm, Ngày 13/10/2022, 07:24

Những cơ hội và thách thức trong lĩnh vực việc làm và đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh Đăk Nông hiện nay


Hiện nay, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đã tạo ra những cơ hội để người lao động của tỉnh có thể mở rộng giao lưu và tìm kiếm cơ hội việc làm thuận lợi. Tỉnh Đắk Nông có nguồn nhân lực dồi dào, có nhiều tiềm năng, thế mạnh về nguồn nhân lực trẻ, có nhiều việc làm và nguồn lực xuất khẩu lao động tương đối lớn; đặc biệt nhân lực trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ cao 58,55% trong dân số. Lực lượng lao động ở khu vực thành thị ngày càng tăng cùng với quá trình đô thị hoá.

 

Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình phát triển nguồn nhân lực, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh ngày càng tăng, tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn tiếp tục giảm, cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, tăng dần tỷ trọng lao động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ và giảm dần trong lĩnh vực nông lâm nghiêp. Chất lượng lao động có xu hướng tăng. Số lượng lao động có trình độ văn hóa từ THCS trở lên và số lượng người được đào tạo nghề tăng qua các năm. Khả năng tiếp thu, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào trong sản xuất có nhiều chuyển biến tích cực. Lực lượng lao động có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất các cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, sẵn sàng nắm bắt cơ hội, học hỏi ứng dụng các mô hình nông nghiệp, nông thôn mới.

 

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã làm thay đổi cơ bản khái niệm đổi mới công nghệ, trang thiết bị trong các dây chuyền sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp đang là thế mạnh của tỉnh, hướng đến một nền nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp trong nông nghiệp. Điều này mở ra một cơ hội rất lớn để lao động tại địa phương bắt kịp xu hướng với thời đại.

 

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp tư nhân trong nước đến đầu tư tại tỉnh Đắk Nông tăng trưởng mạnh về số lượng và chất lượng (vốn đăng ký). Đi kèm với việc phát triển kinh tế địa phương sẽ kéo theo nhu cầu nhân lực chất lượng cao, nhân lực lành nghề phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội. Đây là tiền đề để tỉnh lập quy hoạch đào tạo, nâng cao và phát triển nguồn nhân lực tại địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu mà các doanh nghiệp đặt ra trong thời gian tới, đồng thời thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ các khu vực khác đến làm việc.

 

Bên cạnh những cơ hội như trên, Trong lĩnh vực việc làm và đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh hiện nay còn gặp những thách thức sau:

 

Đắk Nông là tỉnh có cơ cấu kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp do vậy lực lượng lao động tham gia sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Tổng số lao động đang làm việc trong các nền kinh tế hiện nay là 386.762 người (bao gồm nông - lâm nghiệp chiếm 81,4%, công nghiệp - xây dựng chiếm 3,77%, dịch vụ 14,83%) . Quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành nghề của tỉnh diễn ra chậm.

 

Hằng năm nhu cầu giải quyết việc làm của tỉnh khoảng 18.000 lượt lao động/năm. Tuy nhiên thực trạng kinh tế xã hội của tỉnh chỉ đáp ứng hơn 50% được nhu cầu giải quyết việc làm của người lao động, số còn lại đi làm việc ngoại tỉnh, tập trung nhiều nhất tại các tỉnh Miền đông Nam Bộ. Các tỉnh lận cận và các tỉnh Miền Đông Nam Bộ đã thu hút một lượng lớn lực lượng lao động tỉnh Đắk Nông dịch chuyển sang làm việc tại các khu công nghiệp, đây là thách thức đối với tỉnh trong việc giữ chân lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề.

 

Nguồn lao động phổ thông hiện tại trên địa bàn tỉnh vẫn chiếm số đông; trình độ học vấn, trình độ chuyên môn thấp đã làm cho cơ hội tìm kiếm việc làm của người lao động của tỉnh trong bối cảnh hội nhập quốc tế trở nên bấp bênh hơn ngay ở trong nước.

 

Công tác giải quyết việc làm cho người lao động tiếp tục là vấn đề bức xúc, cung vẫn lớn hơn cầu lao động; đặc biệt khi quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và đô thị hoá diễn ra với tốc độ cao, nếu chất lượng và cơ cấu lao động nông thôn không chuyển dịch theo kịp yêu cầu phát triển, lao động làm công ăn lương không tăng nhanh sẽ có nguy cơ tăng thất nghiệp không chỉ ở thành thị mà còn ở cả khu vực nông thôn.

 

Nhu cầu sử dụng lao động đã qua đào tạo, nhất là lao động có chuyên môn kỹ thuật, nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp khai khoáng của Đăk Nông hiện tại rất cần thiết. Tuy nhiên lao động của tỉnh đáp ứng được yêu cầu chiếm tỷ lệ thấp. Lao động tham gia thị trường xuất khẩu lao động còn hạn chế, chủ yếu là lao động phổ thông chiếm 90%.

 

Chất lượng lao động nói chung còn thấp, thiếu lao động lành nghề, thiếu các chuyên gia kỹ thuật giỏi, thiếu cán bộ khoa học kỹ thuật đầu ngành ở hầu hết các ngành kinh tế và kỹ thuật then chốt. Tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Đây là nguyên nhân chính, cơ bản ảnh hưởng đến việc tổ chức đào tạo nghề cho người lao động và việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất.

 

Hiện tượng biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra mạnh mẽ, gây nhiều trở ngại cho kinh tế, đặc biệt là ngành nông nghiệp với phần lớn các lao động đang làm việc trong khu vực này. Điều này đặt ra thách thức rất lớn cho Tỉnh trong việc tính toán chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi kèm theo chuyển dịch cơ cấu lao động nhằm giảm tối thiểu các tác động từ biến đổi khí hậu, đồng thời chủ động ứng phó chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng phi nông nghiệp./.

 

         Nguồn tin: Triệu Thị Hương


Bản in