Liên kết Website

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

1
0
8
2
2
3
4

SỐ LƯỢT ĐANG ONLINE

0
0
0
0
0
0
2
Bản in
Lao động việc làm và giáo dục nghề nghiệp thứ năm, Ngày 14/03/2024, 14:12

Kế hoạch thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động cho người lao động và người sử dụng lao động đáp ứng yêu cầu thực thi các cam kết quốc tế về lao động giai đoạn 2023 - 2030” trên địa bàn tỉnh Đắk Nông


Ngày 08/3/2024, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Kế hoạch số 142/KH-UBND thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động cho người lao động và người sử dụng lao động đáp ứng yêu cầu thực thi các cam kết quốc tế về lao động giai đoạn 2023 - 2030” trên địa bàn tỉnh Đắk Nông

 

Nhằm cụ thể hóa và triển khai có hiệu quả Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 17/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động đáp ứng yêu cầu thực thi các cam kết quốc tế về lao động giai đoạn 2023 - 2030” phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) theo đúng yêu cầu của Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân và Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW; Nâng cao trách nhiệm và tinh thần phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ công tác PBGDPL được giao thực hiện, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

 

Kế hoạch đề ra mục tiêu chung:

 

Tiếp tục đổi mới toàn diện công tác PBGDPL cho NLĐ và NSDLĐ trong các loại hình doanh nghiệp, tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành; huy động nguồn lực xã hội; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động PBGDPL.

 

Triển khai đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm công tác PBGDPL cho doanh nghiệp, tạo chuyển biến có chất lượng, hiệu quả cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận, nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật lao động và thực thi các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản, góp phần thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, hạn chế rủi ro pháp lý, giảm thiểu tranh chấp lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

Các mục tiêu cụ thể:

 

Phấn đấu 90-100% cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương tổ chức phổ biến, thông tin kịp thời, đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tới quyền, nghĩa vụ của NLĐ và NSDLĐ trước và sau khi được ban hành theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao với nội dung và hình thức phù hợp theo quy định của pháp luật.

 

Đảm bảo 100% văn bản quy phạm pháp luật, thông tin pháp luật về lao động, quan hệ lao động và nội dung, yêu cầu thực thi cam kết quốc tế về lao động được công khai kịp thời, đầy đủ, chính xác; cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương có trách nhiệm bảo đảm cho NLĐ và NSDLĐ được tiếp cận thông tin thuận lợi, dễ dàng, nhanh chóng.

 

Hằng năm, các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tuyên truyền, phổ biến, cập nhật thông tin về pháp luật, chính sách pháp luật lao động theo chức năng, nhiệm vụ được giao và tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, ít nhất 02 cuộc.

 

Đảm bảo 90% - 100% các câu hỏi và đề nghị tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật lao động của NLĐ và NSDLĐ được tiếp nhận và hướng dẫn, trả lời đúng thời gian, nội dung quy định.

 

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, thói quen tìm hiểu và thực hiện pháp luật của NLĐ và NSDLĐ, đặc biệt là pháp luật về quan hệ lao động, lao động đặc thù liên quan đến việc thực thi các cam kết quốc tế về lao động, nhất là cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên về tự do hiệp hội và thương lượng tập thể; bình đẳng, không phân biệt đối xử trong lao động; phòng chống lao động cưỡng bức; xóa bỏ lao động trẻ em…

 

Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL.

 

Xây dựng và duy trì cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, ngành, địa phương; giữa cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức đại diện NLĐ tại doanh nghiệp trong việc PBGDPL cho doanh nghiệp gắn với hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật hiệu quả liên quan đến doanh nghiệp, quan hệ lao động; triển khai các giải pháp xã hội hóa công tác PBGDPL cho doanh nghiệp.

 

Kế hoạch thực hiện các nội dung: Pháp luật về lao động, quan hệ lao động; Nội dung, yêu cầu thực thi các cam kết quốc tế về lao động, nhất là các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia; Các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước có tác động lớn đến NLĐ và NSDLĐ.

 

Đối tượng thực hiện: Các cơ quan, tổ chức tham gia thực hiện PBGDPL lao động; Cán bộ, công chức làm công tác PBGDPL; Trọng tài viên lao động cấp tỉnh và hòa giải viên lao động cấp huyện; NLĐ và NSDLĐ, nhất là NLĐ và NSDLĐ tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung nhiều doanh nghiệp, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật.

 

Phạm vi thực hiện: Kế hoạch được tổ chức triển khai thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh, trong đó tập trung vào các địa bàn, khu công nghiệp tập trung nhiều doanh nghiệp và người lao động.

 

UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các Sở, Ban, ngành tỉnh có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và tổ chức sơ kết, tổng kết theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.

 

Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan có liên quan trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động đáp ứng yêu cầu thực thi các cam kết quốc tế về lao động hằng năm và giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn tỉnh; Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc biên soạn tài liệu tập huấn tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động có liên quan đến người lao động và người sử dụng lao động theo nhiệm vụ Kế hoạch này.

 

Sở Tài chính hằng năm, tại thời điểm xây dựng dự toán ngân sách nhà nước, trên cơ sở đề xuất của cơ quan, đơn vị cấp tỉnh về bố trí kinh phí thường xuyên để thực hiện Kế hoạch này, Sở Tài chính tổng hợp vào dự toán ngân sách tỉnh, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, thông qua theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

 

Sở Thông tin và Truyền thông triển khai hướng dẫn các cơ quan báo chí, truyền thông, hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về nội dung, hoạt động của Kế hoạch và thực hiện các nhiệm vụ được phân công của Kế hoạch này.

 

Bảo hiểm Xã hội tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện tuyên truyền, phổ biến các nội dung về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động, người lao động tại các doanh nghiệp trong việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

 

Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã triển khai thực hiện tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến người lao động và người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh.

 

Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật có liên quan cho NLĐ, NSDLĐ; tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật lao động của các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

 

Đài Phát thanh và Truyền hình Đắk Nông, Báo Đắk Nông, Cổng thông tin điện tử tỉnh phối hợp cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động cho NLĐ và NSDLĐ đáp ứng yêu cầu thực thi các cam kết quốc tế về lao động và quy định pháp luật khác có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động trên các phương tiện thông tin đại chúng.

 

Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch này; Chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức các hoạt động đối thoại, tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, công đoàn, các cam kết quốc tế về lao động của Việt Nam, đặc biệt là các quy định về điều kiện lao động, quan hệ lao động trong tình hình mới.

 

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ của mình tham gia tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này; chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thực hiện tốt vai trò giám sát; tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và người dân tham gia công tác PBGDPL cho NLĐ và NSDLĐ tại địa phương.

 

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng huyện, thành phố thực hiện Kế hoạch này trên địa bàn phụ trách; cân đối, bố trí kinh phí thực hiện (nếu có); Chỉ đạo các ngành có liên quan cấp huyện tích cực tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho NLĐ và NSDLĐ theo đúng mục tiêu, nội dung, tiến độ của Kế hoạch; tạo điều kiện và bố trí cán bộ, công chức cơ quan, đơn vị mình tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật theo quy định của pháp luật; Định kỳ hằng năm báo cáo kết quả thực hiện về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định.

 

Toàn văn nội dung Kế hoạch số 142/KH-UBND được đăng tải tại đây./.

 

Nguồn tin: Nguyễn Văn Phú


Bản in

Xem danh sách chi tiết