Liên kết Website

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

1
0
8
2
2
3
4

SỐ LƯỢT ĐANG ONLINE

0
0
0
0
0
0
2
Bản in
Lao động việc làm và giáo dục nghề nghiệp thứ sáu, Ngày 10/11/2023, 10:43

Hoạt động kiểm tra, giám sát công tác hỗ trợ đào tạo nghề Chương trình mục tiêu Quốc gia


Để kịp thời nắm bắt tình hình triển khai thực hiện công tác hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 03 tháng trên địa bàn tỉnh sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 729/QĐ-UBND ngày 14/06/2023 về việc phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông năm 2023. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Kế hoạch số 69/KH-SLĐTBXH ngày 23/8/2023 kiểm tra, giám sát công tác hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 03 tháng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông năm 2023.

Trong tháng 8 và tháng 9 năm 2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với UBND các huyện để tiến hành kiểm tra, giám sát công tác hỗ trợ đào tạo nghề thuộc nguồn kinh phí 03 Chương trình mục tiêu Quốc gia. Tại thời điểm kiểm tra, giám sát có 05/08  huyện, thành phố đã ban hành Kế hoạch và Quyết định triển khai thực hiện giao nhiệm vụ hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng năm 2023; 02/08 địa phương chưa triển khai tổ chức hỗ trợ đào tạo nghề (huyện Tuy Đức và thành phố Gia Nghĩa); riêng huyện Đắk R'Lấp không triển khai hỗ trợ đào tạo nghề.

Qua kiểm tra, giám sát tại 05 huyện (Krông Nô; Cư Jút; Đắk Mil; Đắk Song; Đắk G'long) đã tiến hành giao nhiệm vụ cho 05 đơn vị (là Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện) để tổ chức mở 45 lớp với tổng số 2.028 người lao động được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng. Theo đó, 45/45 lớp đào tạo đảm bảo đúng danh mục ngành, nghề đã được phê duyệt tại Quyết định số 729/QĐ-UBND ngày 14/06/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông và Quyết định số 909/QĐ-UBND ngày 01/8/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc điều chỉnh một số nội dung tại Quyết định số 729/QĐ-UBND.

Có tổng số 76 nhà giáo tham gia giảng dạy (chủ yếu là hợp đồng nhà giáo, nghệ nhân, người dạy nghề; cơ bản các nhà giáo phù hợp với trình độ chuyên môn nghiệp vụ và tiêu chuẩn nghiệp vụ, tay nghề so với yêu cầu của lớp học). Người học là lao động thuộc các nhóm đối tượng: Hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, lao động nông thôn… Hầu hết các lớp đào tạo nghề được tổ chức lưu động tại các thôn, bon, buôn nhưng việc trang bị cơ sở vật chất, phòng học, nguyên liệu, dụng cụ học thực hành… cho học viên cơ bản đảm bảo theo yêu cầu của nghề được đào tạo. Tuy nhiên, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo thì hầu hết các đơn vị thuê, mướn các phòng học của các trường tiểu học, nhà văn hóa cộng đồng…do đó, còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế dẫn đến chất lượng đào tạo chưa cao.

Định hướng việc làm, tự tạo việc làm, tăng thu nhập sau đào tạo: Đa số học viên cam kết tự tạo việc làm sau đào tạo, tăng năng suất lao động, tăng thu nhập sau đào tạo sau khi tốt nghiệp (90%); số có việc làm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã chiếm tỷ lệ thấp (6%); số học viên học nghề dệt thổ cẩm để duy trì nghề truyền thống phục vụ phát triển dịch vụ du lịch (4%).

Sĩ số tại các lớp đào tạo được kiểm tra, giám sát và tỷ lệ tuyển sinh/đào tạo: Tổng số lớp được kiểm tra trực tiếp 19/45 lớp; trong đó: 11/19 lớp đạt sĩ số đầy đủ 100% học viên có mặt tại thời điểm kiểm tra, 08/19 lớp chưa đạt sĩ số tại thời điểm kiểm tra (có số học viên vắng từ 03-08 người/lớp). Tỷ lệ tuyển sinh/đào tạo đạt 90,8% (số bỏ học giữa chừng chiếm tỷ lệ 9,2%). Lý do: vào mùa thu hoạch nông sản nên các học viên nghỉ học nhiều.

Lớp đào tạo nghề Nấu ăn tại xã Đắk Nang, huyện Krông Nô

Các huyện, đã chủ động rà soát nhu cầu đào tạo nghề tại địa phương, thực hiện phê duyệt kế hoạch, tổ chức giao nhiệm vụ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng cho đơn vị trực thuộc (trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện), báo cáo đề xuất UBND tỉnh khi phát sinh khó khăn, vướng mắc và thực hiện đúng kế hoạch đã được phê duyệt. Đồng thời, thường xuyên quan tâm đôn đốc triển khai thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng; định kỳ, đột xuất kiểm tra, giám sát công tác hỗ trợ đào tạo nghề trên địa bàn theo Kế hoạch đề ra.

Bên cạnh những mặt đạt được thì còn gặp một số tồn tại, hạn chế do khó khăn, vướng mắc như:

Đào tạo nghề chưa thực sự gắn với giải quyết việc làm; chưa đánh giá được mục tiêu tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập cho người lao động, đảm bảo các mục tiêu về phát triển giáo dục nghề nghiệp thuộc 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; việc triển khai thực hiện Kế hoạch hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng còn chậm tiến độ so với Kế hoạch được giao; một số địa phương đề xuất nhu cầu điều chỉnh, bổ sung các lớp hỗ trợ đào tạo còn chậm làm ảnh hưởng tới quá trình tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt điều chỉnh, bổ sung; công tác rà soát nhu cầu đào tạo nghề chưa đạt kết quả cao; chưa phát huy được việc đặt hàng đối với những ngành, nghề đa dạng và phù hợp theo yêu cầu thực tiễn của người học; đội ngũ giáo viên dạy nghề tại các Trung tâm GDNN-GDTX còn thiếu, có Trung tâm không có giáo viên dạy nghề; đa số hợp đồng thỉnh giảng; cơ sở vật chất còn thiếu (Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đắk G’Long chưa có trụ sở); trang thiết bị đào tạo một số ngành, nghề đã xuống cấp, hư hỏng không thể sử dụng (Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đắk Mil; huyện Đắk R’Lấp không tổ chức đào tạo nghề theo Kế hoạch do các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn không có nhu cầu tuyển dụng lao động, không đảm bảo gắn với việc làm sau đào tạo cho học viên, một số nghề đã đăng ký không tổ chức tuyển sinh được do không có đối tượng.

Để công tác hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 03 tháng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, UBND các huyện, thành phố tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện tốt các giải pháp để đảm bảo việc tổ chức đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 03 tháng sát với kết quả khảo sát nhu cầu người học, hạn chế trường hợp bỏ học, đảm bảo hoàn thành tỷ lệ tốt nghiệp theo chỉ tiêu, kế hoạch đã được phê duyệt. Chủ động thực hiện các biện pháp nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập theo hướng bền vững cho người lao động sau học nghề; đảm bảo các mục tiêu phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm thuộc 03 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Hai là, Đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục nghề nghiệp bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức của nhân dân về học nghề, chuyển đổi nghề, cập nhật và áp dụng tiến bộ của khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh.

Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp gắn với việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần phát triển nguồn nhân lực, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu, định hướng phát triển của tỉnh trong thời gian tới. Đồng thời, đẩy mạnh công tác liên kết trong đào tạo giáo dục nghề nghiệp dể nâng cao chất lượng đào tạo; thực hiện tốt các giải pháp lồng ghép các nguồn vốn thuộc 3 CTMTQG để đảm bảo thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng đạt hiệu quả; phối hợp với các tổ chức đoàn thể, cơ quan công an để thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng theo quy định.

Bốn là, thường xuyên rà soát, cập nhật các thành tựu khoa học - kỹ thuật để xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng phù hợp với yêu cầu đổi mới công nghệ trong tình hình mới; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ nhà giáo tham gia dạy nghề; định kỳ rà soát các điều kiện để xây dựng kế hoạch thực hiện các giải pháp đảm bảo chất lượng đào tạo.

Năm là, thực hiện các giải pháp lồng ghép các nguồn kinh phí để đảm bảo thanh quyết toán các lớp hỗ trợ đào tạo nghề các nguồn vốn thuộc 3 CTMTQG kịp thời, theo quy định./.

                                                                                  Nguyễn Thị Tường Vy


Bản in