Liên kết Website

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

1
0
8
2
2
3
4

SỐ LƯỢT ĐANG ONLINE

0
0
0
0
0
0
2
Bản in
Lao động việc làm và giáo dục nghề nghiệp thứ năm, Ngày 19/08/2021, 08:16

Đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả của Quỹ bảo hiểm xã hội


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại Phiên họp thứ 2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 17/8 cho ý kiến về tình hình thực hiện hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020.  

 

Số nợ đóng, chậm đóng BHXH  dự báo có thể gia tăng trong năm 2021

 

Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến hết năm 2020, tổng số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội là 16.161.789 người, tăng 2,5% so với năm 2019. Tuy nhiên, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc giảm 1,12% so với năm 2019.

 

Số người tham gia bảo hiểm tự nguyện tăng 2,1% so với năm 2019. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 13.320.231 người, giảm 0,54% so với năm 2019 và chiếm tỷ lệ khoảng 27,57% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Số thu bảo hiểm xã hội năm 2020 đạt hơn 263.949 tỷ đồng, đạt kế hoạch đề ra. Trong đó, thu bảo hiểm xã hội bắt buộc gần 259.887 tỷ đồng, thu bảo hiểm xã hội tự nguyện hơn 4.062 tỷ đồng. Số thu bảo hiểm thất nghiệp hơn 18.714 tỷ đồng, vượt 4,3% kế hoạch.

 

Báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, đến cuối năm 2020, tổng số tiền nợ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 11.666 tỷ đồng, tăng 1.566 tỷ đồng so với 2019, chiếm 4,2% số phải thu (trong đó nợ lãi chậm đóng chiếm khoảng 26% tổng số nợ).

 

Thẩm tra sơ bộ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh, trong năm 2020: Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, BHXH Việt Nam và một số cơ quan có liên quan đã rất chủ động, tích cực trong việc sửa đổi, ban hành 13 văn bản về chính sách, chế độ BHXH, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN) để kịp thời đáp ứng công tác quản lý điều hành và tạo điều kiện thuận lợi hơn đối với các đối tượng thụ hưởng chế độ, tiếp cận chính sách BHXH, BHTN; Cơ bản các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã được ban hành và bảo đảm việc triển khai đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định của các Luật.

 

Về công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHTN: Việc phát triển đối tượng tham gia BHXH năm 2020 đạt 95,71% chỉ tiêu đề ra của Nghị quyết số 28-NQ/TW là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của Chính phủ. Tuy nhiên, nếu không có giải pháp phù hợp sẽ khó đạt được mục tiêu đến năm 2021 có 35% và đến năm 2025 có 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội.

 

Đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả của Quỹ bảo hiểm xã hội. - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả của Quỹ BHXH

 

Về số thu của bảo hiểm xã hội bắt buộc, Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, số thu năm 2020 tăng 5,54% nhưng tốc độ tăng thấp hơn so với tốc độ tăng thu của năm 2019. Mức lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm thất nghiệp tăng không đáng kể, tỷ lệ tăng có xu hướng giảm so với giai đoạn trước. Tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện có xu hướng giảm nhanh.

 

Về tình hình nợ đọng: Số nợ đóng, chậm đóng dự báo có thể tiếp tục xu hướng gia tăng trong năm 2021 và những năm tiếp theo; Cần tính toán về hệ quả pháp lý đối với chính sách tạm dừng đóng vào Quỹ Hưu trí và tử tuất khi triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ với các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 trong trường hợp doanh nghiệp không có khả năng đóng bù sau khi hết thời hạn được tạm dừng đóng.

 

Đối với tình hình quản lý và sử dụng quỹ BHXH, quỹ BHTN, Quỹ BHTNLĐ-BNN năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng: Về cơ bản các quỹ ngắn hạn đều bảo đảm chi trả và có kết dư lớn; Tuy nhiên Quỹ ốm đau, thai sản có năm thứ 2 liên tiếp mất cân đối thu - chi nhẹ (số thu nhỏ hơn số chi), tuy nhiên vẫn có nguồn kết dư và dự báo việc mất cân đối - thu chi này sẽ tự điều chỉnh về thặng dư dương khi tăng tuổi nghỉ hưu và vẫn thực hiện các chính sách, chế độ về ốm đau, thai sản như hiện nay. Về Quỹ Hưu trí, tử tuất, mặc dù vẫn đang kết dư lớn, song cần tính toán thận trọng, kỹ càng hơn trong việc bảo đảm cân đối trong dài hạn, nhất là với sự thay đổi về đặc điểm của quy mô và cơ cấu dân số (già hóa dân số).

 

Đảm bảo thu đúng thu đủ, chi đúng chi đủ, tránh tình trạng thất thoát quỹ

 

Thảo luận tại phiên họp, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, việc tổ chức thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc tuy nhiên chưa có giải pháp cụ thể, mang tính căn cơ. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người lao động đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Ngoài ra, hoạt động thanh tra kiểm tra vẫn còn bất cập như vấn đề thực hiện kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra chưa hiệu quả, trong báo cáo cũng không thể hiện rõ nội dung này. Một số vấn đề bất cập khác cũng được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ như: Vấn đề bảo hiểm xã hội 1 lần, rút bảo hiểm xã hội 1 lần tăng cao; Vấn đề thủ cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin mặc dù đã được bố trí kinh phí nhưng hiệu quả còn thấp, việc tham gia giao dịch điện tử của cá nhân và một số đơn vị vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra.

 

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội dễ tiếp cận. 

 

Đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả của Quỹ bảo hiểm xã hội. - Ảnh 2.

Toàn cảnh Phiên họp

 

Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đây là quỹ ngoài ngân sách lớn nhất, có vai trò vô cùng quan trọng, chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan, bộ, ngành có liên quan cần nhận thức rõ trách nhiệm trong việc quản lý Quỹ, đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả của Quỹ bảo hiểm xã hội.

 

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần nắm rõ nguyên tắc của quỹ là đóng – hưởng; không dùng kết dư của các quỹ này vào các mục đích khác, không đúng bản chất; Làm rõ và cụ thể thông tin, số liệu chi tiết trong báo cáo; …Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị phải tăng cường hơn nữa kỷ luật kỷ cương trong quản lý Quỹ; về thu chi bảo hiểm xã hội phải đảm bảo thu đúng thu đủ, chi đúng chi đủ cho đối tượng thụ hưởng tránh tình trạng thất thoát quỹ. Đồng thời, cần khẩn trương tiến hành tổng kết việc thi hành Luật bảo hiểm xã hội; đề xuất sửa đổi luật để sớm khắc phục những tồn tại, vướng mắc hiện nay.  

 

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình nợ chậm đóng bảo hiểm xã hội là phải nghiên cứu, rà soát, đánh giá cẩn thận, làm rõ nguyên nhân nợ, xác định được đối tượng, cả người sử dụng lao động và người lao động có liên quan, nhất là các nhóm đối tượng có sử dụng ngân sách nhà nước để có đề xuất giải pháp tháo gỡ giúp bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động.

 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, tiếp thu để hoàn thiện báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020 để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2.

 

Theo: http://www.molisa.gov.vn/


Bản in