Liên kết Website

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

1
0
8
2
2
3
4

SỐ LƯỢT ĐANG ONLINE

0
0
0
0
0
0
2
Bản in
Trẻ em và bình đẳng giới thứ năm, Ngày 06/04/2023, 08:48

Chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam tăng 4 bậc


Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2022, chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2022 tăng 4 bậc so với năm 2021, trong đó các chỉ số về trao quyền cho phụ nữ, lĩnh vực sức khỏe và giáo dục có những bước tiến bộ rõ rệt. Đây là thông tin được nêu trong cuộc làm việc củaThường trực Ủy ban Xã hội và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc thực hiện pháp luật bình đẳng giới và các mục tiêu quốc gia bình đẳng giới năm 2022 được tổ chức chiều ngày 03/4. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì cuộc làm việc. Tham dự cuộc làm việc có đại diện Thường trực một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội một số tỉnh/ thành phố; Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà; Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên; đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải; Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và một số Bộ, ngành hữu quan.

 

Chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2022 tăng 4 bậc

 

Báo cáo tại cuộc làm việc, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới Lê Khánh Lương cho biết, năm vừa qua, công tác bình đẳng giới tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Quốc hội ngày càng đẩy mạnh việc thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đăng giới trong đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm và trong các dự án luật, pháp lệnh trình Quốc hội thông qua. Chính phủ đã tích cực, chủ động chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các chiến lược, chương trình về bình đẳng giới. Các bộ, ngành, địa phương đều xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Chiến lược.

 

Hệ thống văn bản pháp luật, chính sách tiếp tục được hoàn thiện theo hướng đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới. Quốc hội đẩy mạnh việc thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm và trong các dự án luật, pháp lệnh trình Quốc hội thông qua, bảo đảm tính khả thi, làm rõ trách nhiệm và nguồn lực. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực bình đẳng giới được xây dựng, sửa đổi, góp phần đảm bảo và thúc đẩy bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

 

030420230647-dsc-5883.jpg

 Toàn cảnh cuộc làm việc

 

Đặc biệt, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) được thông qua đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình và hỗ trợ cho nạn nhân, đảm bảo quyền con người và thúc đẩy bình đẳng giới. Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực hiện các chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch, đề án,… đã được thực hiện tương đối nghiêm túc.

 

Công tác truyền thông về bình đẳng giới được tăng cường với sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, góp phần nâng cao nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, trong đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân về thực hiện bình đẳng giới.

 

030420230555-dsc-6200.jpg

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại buổi làm việc

 

Nhìn chung, kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đều có những tiến bộ so với năm 2021, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới, số lượng và tỉ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt tăng so với năm 2021 và tiệm cận với chỉ tiêu đề ra đến năm 2025. Các chỉ tiêu đã đạt mục tiêu đến năm 2025 tiếp tục được duy trì.

 

Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2022 do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố vào tháng 7/2022, chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2022 là 83/146 quốc gia, tăng 4 bậc so với năm 2021 (năm 2021 Việt Nam xếp thứ 87/144 quốc gia), trong đó các chỉ số về trao quyền cho phụ nữ, lĩnh vực sức khỏe và giáo dục có những bước tiến bộ rõ rệt. Kinh phí cho công tác bình đẳng giới tiếp tục được quan tâm, bố trí và lồng ghép trong các Chương trình mục tiêu quốc gia, từng bước đảm bảo nguồn lực cho việc triển khai các nhiệm vụ của lĩnh vực bình đẳng giới.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới cho biết, vẫn còn những khó khăn, tồn tại, hạn chế. Cụ thể, công tác chỉ đạo, giám sát, đánh giá của cấp ủy đảng, người đứng đầu các đơn vị ở một số bộ, ngành, địa phương đối với việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới nói chung, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 nói riêng chưa được kịp thời, sát sao. Các kế hoạch triển khai thực hiện còn chung chung chưa gắn với điều kiện cụ thể của địa phương, đặc biện thiếu các giải pháp cụ thế, đồng bộ khi triến khai các mục tiêu, chỉ tiêu.

 

Bộ máy quản lý Nhà nước và nhân sự làm công tác bình đẳng giới vẫn thiếu tính ổn định, số lượng công chức quản lý nhà nước chuyên trách về công tác bình đẳng giới ở các ngành, các cấp, nhất là ở cơ sở còn ít. Cán bộ làm công tác trẻ em, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ ở cấp huyện, xã có sự biến động nhiều và phải kiêm nhiệm nhiều việc nên hiệu quả triển khai nhiệm vụ còn nhiều hạn chế và chưa thực chất.

 

030420230511-dsc-5926.jpg

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu tại buổi làm việc

 

Công tác thống kê, thông tin, báo cáo về bình đẳng giới, bạo lực trên cơ sở giới vẫn tiếp tục còn gặp nhiều khó khăn do thiếu các công cụ theo dõi, kiếm tra, đánh giá việc thi hành pháp luật, chiến lược, chương trình, kế hoạch về bình đẳng giới, thông tin về giới ở nhiều lĩnh vực còn thiếu và chưa đồng bộ. Một số chỉ tiêu của Chiến lược được thu thập, đánh giá thông qua các cuộc Tổng điều tra, khảo sát nên không có số liệu để báo cáo, đánh giá hằng năm. Tỉ lệ các cơ quan thuộc Chính phủ và ủy ban nhân dân các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ có tỉ lệ nữ lãnh đạo chủ chốt còn khiêm tốn, do các vị trí lãnh đạo này thường ít có biến động trong nhiệm kỳ nên việc thực hiện các giải pháp cần có thời gian khá dài để đưa lại kết quả rõ rệt…

 

Cần giải pháp cụ thể thực hiện từng chỉ tiêu, mục tiêu, kèm theo nhân lực, kinh phí

 

Thảo luận tại cuộc làm việc, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Nguyễn Thanh Cầm chỉ ra rằng, theo báo cáo của Bộ, mỗi năm đều có khó khăn đặc thù trong công tác này. Tuy nhiên có những khó khăn tồn tại trong nhiều năm, đó là vấn đề về cán bộ làm công tác bình đẳng giới. Trong đó, cán bộ kiêm nhiệm nhiều, thay đổi thường xuyên, thiếu người chuyên trách…Hay những khó khăn về công tác thống kê bình đẳng giới. Qua nhiều năm có những chỉ tiêu vẫn chưa đong đếm được; trách nhiệm của các Bộ trong việc thực hiện Bộ chỉ tiêu quốc gia vẫn còn hạn chế.

 

Bên cạnh đó, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Lâm Văn Đoan, nguồn ngân sách dành cho bình đẳng giới đang được lồng ghép chủ yếu vào trong các chương trình mục tiêu quốc gia, không có ngân sách riêng. Đề nghị các Bộ, ngành cho biết nếu lồng ghép như vậy thì có thể đảm bảo ngân sách để thực hiện mục tiêu bình đẳng giới thực chất hay không? Ở cấp địa phương không có mục chi riêng về bình đẳng giới; nhiều dự án trọng tâm vẫn chưa phân bổ được kinh phí…Do đó, cần chỉ rõ nguyên nhân của vướng mắc này để đưa ra giải pháp phù hợp.

 

030420230507-dsc-5962.jpg

Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới Lê Khánh Lương báo cáo tại cuộc làm việc

 

Một số đại biểu đề nghị các Bộ, ngành cần có phương án cụ thể về tổ chức thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) vừa được ban hành; đảm bảo kế hoạch triển khai rõ ràng, tránh chung chung; sớm ban hành Hướng dẫn lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về bình đẳng giới cụ thể trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và 5 năm ở cấp quốc gia và địa phương.

 

Có đại biểu cũng chỉ rõ, trong công tác tuyên truyền, truyền thông bình đẳng giới, bên cạnh những hình thức truyền thông cơ bản, truyền thống, cần chú trọng đến mảng phương tiện truyền thông trên mạng xã hội, các cuộc thi. Đồng thời cần tăng cường kiểm tra, giám sát ở các địa phương cụ thể về việc thực hiện công tác này.

 

Tham gia ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội chỉ ra rằng, trong mục tiêu 1 về lĩnh vực chính trị có những chỉ tiêu rất hay như chỉ tiêu “Đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ”. Tuy nhiên, theo đại biểu, đây cũng là chỉ tiêu rất khó thực hiện, phụ thuộc rất nhiều vào năng lực, trình độ của chính cá nhân những người nữ cán bộ; phụ thuộc vào người thủ trưởng và cộng đồng. Do đó, cần có giải pháp tạo điều kiện cho cán bộ nữ được học tập, đào tạo, có cơ chế để cán bộ nữ được rèn luyện, được tỏa sáng.

 

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chỉ ra rằng, bên cạnh số liệu thống kê từ điều tra quốc gia, cần bổ sung số liệu thống kê hàng năm của các ngành, đồng thời Làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chịu trách nhiệm thống kê.

 

Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội cũng nhấn mạnh cần đảm bảo chất lượng của các chỉ tiêu, hiệu quả thực chất đã được như mong muốn hay chưa, rà soát lại các mục tiêu bình đẳng giới, đảm bảo thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để nữ giới và nam giới tham gia thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự nghiệp bền vững của đất nước.

 

Theo: http://www.molisa.gov.vn


Bản in