Chiều ngày 21/7, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị Sơ kết ngành 6 tháng đầu năm 2023. Đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các Thứ trưởng: Lê Văn Thanh, Nguyễn Bá Hoan, Nguyễn Văn Hồi chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ; đại diện lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội 63 tỉnh, thành phố.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh báo cáo tóm tắt kết quả công tác lao động, người có công và xã hội 6 tháng đầu năm 2023 và đồng chí cho biết dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; với quyết tâm của thể công chức, viên chức và người lao động toàn ngành và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; kịp thời xử lý, phản ứng chính sách; vừa thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, vừa chú trong xử lý những tồn đọng, những vấn đề mới phát sinh.
Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 của ngành Lao động Thương binh và Xã hội
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã kịp thời tham mưu, đề xuất, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để kịp thời giải quyết, xử lý các vấn đề thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Đặc biệt, đồng chí Bộ trưởng Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tham gia trả lời chất vấn trực tiếp tại hội trường tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV, trả lời 03 phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội khóa XV và giải quyết 218 kiến nghị của cử tri (từ kỳ họp thứ 4 đến nay) với tinh thần trách nhiệm cao, cầu thị, thẳng thắn; thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn.
Cùng với sự phục hồi và phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế, thị trường lao động được chú trọng phát triển; tăng cường kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm và lần đầu tiên triển khai thí điểm sàn giao dịch làm việc trực tuyến toàn quốc; kịp thời hỗ trợ người dân, người lao động bị mất việc, giảm giờ làm; việc làm và thu nhập của người lao động có tăng so với cùng kỳ năm 2022, hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phục hồi tích cực; thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, giảm nghèo, chăm sóc người cao tuổi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt…; việc chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội được đẩy mạnh.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố đã kịp thời tham mưu cho cấp ủy, HĐND, UBND tỉnh, thành phố trong chỉ đạo, điều hành thực hiện các chính sách, giải pháp, chương trình, đề án về lao động, người có công và xã hội trên địa bàn; kịp thời hướng dẫn, báo cáo tình hình và kết quả thực hiện về Bộ. Nhiều địa phương đã có những kiến nghị gửi cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện.
Trong 6 tháng cuối năm 2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xác định toàn ngành cần tiếp tục nỗ lực, thực hiện hiệu quả, thực chất, toàn diện, nhất quán các Nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, triển khai nhanh, hiệu quả, đồng bộ các chính sách, giải pháp đã ban hành nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, nhất là các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, bảo đảm an sinh xã hội. Kiên quyết, kiên trì, nỗ lực, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, không điều chỉnh bất cứ chỉ tiêu nào. Bộ yêu cầu các đơn vị, địa phương cần tăng cường năng lực, chủ động phân tích, dự báo, tập trung theo dõi, nắm chắc tình hình trong và ngoài nước, theo dõi sát diễn biến tình hình lao động, việc làm, các vấn đề an sinh xã hội.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh: Sau tác động của đại dịch, tin tưởng rằng, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục có nhiều đổi mới tốt đẹp hơn để tiếp tục có sinh lực mới, tư duy mới và đạt nhiều kết quả mới.
Trong những năm vừa qua, toàn ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã nỗ lực 200% khả năng của mình, đặc biệt là tập trung đột phá vào một số lĩnh vực lớn. Trong đó, lĩnh vực thị trường lao động mặc dù còn non trẻ nhưng đã từng bước hình thành và phát triển nhanh chóng, song điều quan trọng hơn cả là đang đi đúng hướng. Đặc biệt là sự đột phá về lĩnh vực người có công; trên 7.000 hồ sơ tồn đọng thì đến nay đã căn bản giải quyết xong. Đạt được những kết quả đó là sự nỗ lực rất lớn của toàn ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, đặc biệt là sự nỗ lưc của toàn bộ đội ngũ cán bộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhất là những người ở cơ sở. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, cống hiến của tất cả các địa phương và công chức, viên chức và người lao động toàn ngành.
Đối với nhiệm vụ cụ thể những tháng còn lại của năm 2023, phải tập trung tham mưu cho Trung ương tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI về các chính sách xã hội, đồng thời tham mưu ban hành chính sách mới, chủ trương mới, Nghị quyết mới về chính sách xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với các vấn đề chuyển mạnh từ chính sách xã hội sang an sinh xã hội, chuyển từ chăm lo cho đối tượng yếu thế sang chăm lo cho tất cả đối tượng của xã hội. Định hướng đến năm 2030 Việt Nam sẽ là quốc gia tiên phong về vấn đề an sinh xã hội và việc làm công bằng theo sáng kiến của Liên Hợp quốc; Tập trung đột phá mạnh vào việc xóa toàn bộ nhà tạm cho người dân, người nghèo. Đến năm 2025, phải giải quyết căn bản 100 nghìn ngôi nhà cho người nghèo, 74 huyện nghèo không còn phải sống trong những căn nhà tạm bợ, dột nát. Đến năm 2030, hoàn thành đề án cả nước không còn nhà nghèo, nhà tạm và phấn đấu xây dựng 1 triệu căn hộ giá rẻ cho người có hoàn cảnh khó khăn. Tiếp đến, những vấn đề cốt lõi nhất và nền tảng của an sinh xã hội trọng tâm là y tế, giáo dục. Đặc biệt trong thời gian tới, toàn ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phải tập trung nâng cao năng lực dự báo cung cầu lao động để tiến tới xây dựng một thị trường lao động ổn định, bền vững, bao trùm, hiện đại, linh hoạt và hội nhập. Do đó phải dự báo đúng và chúng cung cầu thị trường lao động, gắn với đó là đào tạo, bồi dưỡng; theo dõi sát tình hình, chủ động điều tiết thị trường lao động; Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách đang có, đặc biệt là chính sách ưu đãi đối với các đối tượng người có công với cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội, người yếu thế và thực hiện tốt công tác thanh tra thực hiện các chính sách và xử lý sau thanh tra.
Võ Văn Cảm