Liên kết Website

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

1
0
8
2
2
3
4

SỐ LƯỢT ĐANG ONLINE

0
0
0
0
0
0
2
Bản in
Bảo trợ xá hội và phòng chống tệ nạn thứ hai, Ngày 18/05/2020, 14:59

Kết quả thực hiện Chương trình 30a trên địa bàn tỉnh Đăk Nông


Ngày 11/5/2020, UBND tỉnh Đăk Nông đã ban hành Báo cáo số 240/BC-UBND, về việc báo cáo tổng kết quả thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo.

 

Theo báo cáo, toàn tỉnh có 08 huyện, thành phố với 71 phường, thị trấn, trong đó có 61 xã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với 789 thôn, bon, buôn; có 02 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được hưởng cơ chế chính sách theo Nghị quyết 30a/NQ/2008/NQ-CP (gồm huyện Đắk Glong và huyện Tuy Đức). Cụ thể, giai đoạn 2011-2015 có huyện Đăk Glong và giai đoạn 2016-2020 có thêm huyện Tuy Đức được thụ hưởng cơ chế, chính sách.

 

Trong những năm qua việc thực hiện các chính sách thuộc Chương trình 30a trên địa bàn hai huyện Đăk Glong và Tuy Đức đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần vào việc giảm nghèo nhanh và bền vững của hai địa phương này, cụ thể như:

 

Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho 2.744 hộ dân tại huyện Đắk Glong, với tổng kinh phí thực hiện 6.016 triệu đồng. Tại huyện Tuy Đức, với tổng kinh phí được bố trí là 6.793,853 triệu đồng. Đến nay, qua hai năm (năm 2018 và năm 2019) đã thực hiện 6.783,842 triệu đồng, đạt 99,85% Kế hoạch vốn được giao;

 

Đã có 12 lao động thuộc huyện Đăk Glong đi giúp việc tại Ả rập Xê út, Nhật bản, Hàn Quốc. Tại Huyện Tuy Đức, tổ chức 6 đợt tuyên truyền về công tác xuất khẩu lao động tại 6 xã với tổng số 1.000 người dân tham gia;

 

Huyện Đăk G’long thực hiện hỗ trợ 07 mô hình giảm nghèo, cho 138 hộ nghèo, cận nghèo tham gia, với kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương là 1.991 triệu đồng, ngân sách địa phương là 109 triệu đồng và hộ dân đóng góp 559 triệu đồng. Huyện Tuy Đức thực hiện 24 mô hình giảm nghèo cho 291 hộ nghèo tham gia, với kinh phí thực hiện là 4.197,3 triệu đồng;

 

Mở 09 lớp nghề cho lao động nông thôn, trong đó 04 lớp nghề phi nông nghiệp và 05 lớp nghề nông nghiệp với tổng số 309 học viên, số học viên tốt nghiệp sau đào tạo 287 học viên đạt 92,88%, kinh phí thực hiện 953,98 triệu đồng;

 

Thực hiện chính sách, cơ chế đầu tư cơ sở hạ tầng, trong giai đoạn 2012-2020, đã đầu tư 46 công trình (14 công trình cấp huyện, 32 công trình cấp xã) với tổng số tiền 205,549 triệu đồng. Trong đó, huyện Đắk G’long đã đầu tư 21 công trình trên địa bàn toàn huyện (7 công trình cấp huyện, 14 công trình cấp xã) với tổng số tiền 149,864 tỷ đồng; huyện Tuy Đức đã đầu tư 25 công trình (7 công trình cấp huyện, 18 công trình cấp xã), với tổng số tiền 55.685 triệu đồng.

 

Ngoài ra trên địa bàn hai huyện Đăk G’long và Tuy Đức cũng đã triển khai và đạt được những kết quả nhất định khi thực hiện các chính sách giảm nghèo hiện hành khác, góp phần rất lớn vào công cuộc giảm nghèo bền vững của địa phương, cụ thể:

 

Giai đoạn 2012-2015, toàn huyện Đắk G’long đã triển khai xây dựng và sửa chữa 491 căn nhà, với tổng kinh phí thực hiện 15.987 triệu đồng. Tại huyện Tuy Đức, giai đoạn 2018-2020 đã hỗ trợ nhà ở cho 146 hộ nghèo, tổng kinh phí thực hiện là 7.491 triệu đồng; Tổng dư nợ cho vay thuộc chính sách tín dụng, ưu đãi, tính đến cuối năm 2019 trên địa bàn hai huyện Đắk G’long và Tuy Đức là hơn 666 tỷ đồng, với 17.029 lượt hộ vay; Trong thời gian từ năm 2012 đến năm 2020 đã thực hiện cấp phát 616.023 thẻ BHYT cho đối tượng hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiếu số, người sinh sống vùng đặc biệt khó khăn tại 2 huyện Tuy Đức và Đắk G’long, với tổng kinh phí thực hiện 380.351,08 triệu đồng; Từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn hai huyện Đắk G’long và huyện Tuy Đức đã tổ chức 79 hoạt động hỗ trợ, trợ giúp pháp lý cho 4.648 lượt đối tượng. Các lĩnh vực được trợ giúp pháp lý chủ yếu là chế độ chính sách về đất đai, hôn nhân – gia đình, chế độ chính sách cho người có công, giải quyết thủ tục hành chính, hộ tịch… giúp người dân yên hiểu rõ hơn về tính pháp lý, yên tâm lao động, sản xuất và thực hiện đúng pháp luật, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; Thực hiện chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, trong giai đoạn từ năm 2012-2019 đã thực hiện hỗ trợ 63.452 lượt hộ, với kinh phí 32.714,014 triệu đồng, gồm: Giai đoạn 2012-2015 cho 22.982 lượt hộ, với kinh phí 8.273,52 triệu đồng; Giai đoạn từ năm 2016-2019 hỗ trợ 40.470 lượt hộ, với kinh phí 24.440,494 triệu đồng; Về chính sách hỗ trợ trực tiếp theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg ngày 07/8/2009, từ năm 2012-2020, đã hỗ trợ 23.259,939 triệu đồng để UBND các xã thuộc hai huyện nghèo Đắk G’long và Tuy Đức triển khai thực hiện cấp bằng hiện vật như muối I ốt, vật nuôi, giống cây trồng, phân bón… theo nhu cầu của các hộ được thụ hưởng một cách đồng bộ và hiệu quả với tổng số 53.092 lượt hộ.

 

Chương trình 30a và các chính sách giảm nghèo hiện hành khác đã tác động sâu sắc đến kết quả thực hiện các mục tiêu giảm nghèo và mục tiêu phát triển kinh tế xã hội tại hai huyện nghèo nhất của tỉnh Đăk Nông. Hiện nay, kinh tế - xã hội của hai huyện Đắk G’long và huyện Tuy Đức đang từng bước phát triển; tỷ lệ hộ nghèo, thất nghiệp, thiếu việc làm giảm dần; trình độ dân trí, chất lượng nguồn lao động từng bước được nâng cao; cơ sở hạ tầng ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn được cải thiện đáng kể, các công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường lớp học đã phát huy tốt hiệu quả đầu tư; kiến thức sản xuất, trình độ học vấn, hiểu biết pháp luật của người dân ngày càng được nâng cao, điều kiện chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn; an sinh xã hội được đảm bảo, tình hình chính trị, quốc phòng, an ninh được giữ vững, đảm bảo ổn định đời sống cho người dân và xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua các năm, tuy nhiên vẫn còn cao so với tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh; các hộ thoát nghèo nhưng thiếu bền vững, tỷ lệ hộ thoát nghèo nhưng chuyển sang cận nghèo còn cao; số lượng hộ thoát nghèo vươn lên khá giả còn hạn chế và nguy cơ tái nghèo cao khi có tác động của các yếu tố bên ngoài; mặt khác một bộ phận người nghèo, người dân tộc thiểu số còn thiếu ý chí vươn lên phát triển kinh tế, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của nhà nước, cộng đồng.

 

Nguồn tin: Nguyễn Thị Linh


Bản in