Liên kết Website

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

1
0
8
2
2
3
4

SỐ LƯỢT ĐANG ONLINE

0
0
0
0
0
0
2
Bản in
Bảo trợ xá hội và phòng chống tệ nạn thứ tư, Ngày 17/04/2019, 15:51

Hội thảo đánh giá việc thực hiện thí điểm mô hình Hỗ trợ tư vấn, xã hội, pháp lý và chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy


Ngày 17⁄4⁄2019, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tổ chức hội thảo đánh giá việc thực hiện thí điểm mô hình “Hỗ trợ tư vấn, xã hội, pháp lý và chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy” (mô hình). Tham dự Hội nghị có đại diện Vụ Khoa giáo - Văn xã (Văn phòng Chính phủ), Cục Phòng, chống HIV⁄AIDS, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), Cục quản lý các dịch vụ điều trị nghiện chất và sức khỏe tâm thần Hoa Kỳ (SAMHSA), Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI), Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thành phố Hà Nội. Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng cục Phòng, chống tệ nạn xã hội chủ trì Hội thảo.

 

Triển khai Đề án Đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định 2596/QĐ-TTg ngày 27/12/2013 và Quyết định số 424/QĐ-TTg ngày 07/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2020, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) nghiên cứu xây dựng mô hình "Hỗ trợ tư vấn pháp lý, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy" với các mục tiêu như: Phát triển mạng lưới điều trị cai nghiện ma túy tại cộng đồng; tăng cường sự gắn kết và xác định rõ trách nhiệm, sự phối hợp giữa các Sở, ngành của thành phố và các Ban, ngành, đoàn thể tại địa phương trong cung cấp dịch vụ xã hội đối với người sử dụng ma túy và người nghiện ma túy; tạo điều kiện để người sử dụng ma túy, người nghiện ma túy sớm được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ điều trị, cai nghiện ma túy và phục hồi toàn diện tại cộng đồng; giảm tác hại do sử dụng ma túy, giảm các hành vi vi phạm pháp luật và nguy hại đối với người sử dụng ma túy và cộng đồng; góp phần giảm tỷ lệ phạm tội trong nhóm đối tượng sử dụng ma túy, nghiện ma túy trên địa bàn thành phố. Trên cơ sở kết quả mô hình thí điểm sẽ phát triển nhân rộng mô hình tại các địa bàn phức tạp về ma túy, từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý người nghiện, sử dụng ma túy và công tác cai nghiện ma túy tại cộng đồng.

 

Mô hình này được triển khai thí điểm từ cuối tháng 4/2018 tại 2 quận Long Biên, Nam Từ Liêm (thành phố Hà Nội), quận Bình Thạnh, quận 4 (TP Hồ Chí Minh), tại thành phố Đà Nẵng, dự kiến thí điểm tại quận Thanh Khê và Hải Châu.

 

Để triển khai thực hiện mô hình, Văn phòng Chính phủ, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện mô hình, tổ chức các cuộc hội thảo giới thiệu mô hình, khảo sát giới thiệu mô hình tại các quận, huyện thí điểm; lựa chọn địa điểm thực hiện thí điểm; xây dựng quy trình vận hành mô hình; đào tạo nhân sự; quản lý trường hợp…

 

Trao đổi tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Lập - Phó Chi cục trưởng Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội rất chủ động triển khai thực hiện mô hình, ngày 12/2/2019, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 40 về việc triển khai thí điểm mô hình tại quận Long Biên và Nam Từ Liêm; tổ chức tập huấn cho các ban, ngành ở các xã, phường thí điểm; bố trí địa điểm thuận lợi cho đối tượng dễ tiếp cận; bố trí nhân sự, xây dựng cơ chế phối hợp.

 

 Tuy nhiên, để mô hình thực hiện có hiệu , trong thời gian tới cần phải có sự tập trung chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương, từ thành phố xuống phường, xã thực hiện thí điểm; cần phải có hướng dẫn cụ thể về thực hiện mô hình: kỹ thuật, kinh phí thực hiện; hoàn thiện tài liệu hướng dẫn thực hiện mô hình.

 

Tại hội thảo, các đại biểu thống nhất cho rằng, đây là mô hình mang tính xã hội và nhân văn tốt đẹp, góp phần làm thay đổi quan điểm, nhận thức mới về điều trị, cai nghiện ma túy phù hợp trong tình hình mới. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng nêu lên một số vấn đề vướng mắc liên quan khi triển khai thí điểm mô hình này như: công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan chưa chặt chẽ; chưa có tài liệu, khung kỹ thuật chính thức của cơ quan có thẩm quyền về thực hiện mô hình; chưa có quy định về chọn số lượng, tiêu chí điều phối viên, tư vấn viên; trách nhiệm, thẩm quyền của các điều phối viên tham gia thực hiện mô hình, tiêu chí xác định đối tượng sử dụng ma túy được chuyển gửi; kế hoạch triển khai bố trí nhân sự và địa điểm thực hiện mô hình còn nhiều khó khăn…

 

Ngoài ra, các đại biểu cũng đưa ra những giải pháp để tiếp tục thực hiện mô hình như: các Bộ, ngành liên quan cần ban hành văn bản theo ngành dọc để triển khai thực hiện mô hình; thành lập tổ tư vấn thực hiện mô hình, cần có khung kỹ thuật; tài liệu hướng dẫn thực hiện mô hình, hướng dẫn về cơ sở vật chất, số lượng cán bộ, kinh phí thực hiện…

 

Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Nguyễn Xuân Lập phát biểu tại Hội thảo

 

Kết luận Hội thảo, Cục trưởng Cục PCTNXH Nguyễn Xuân Lập nhấn mạnh, đây là mô hình mới ở Việt Nam, phù hợp với xu thế tiến bộ của xã hội; đảm bảo quyền công dân, quyền con người. Trong thời gian tới, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội sẽ tham mưu cho Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Chính phủ ban hành văn bản chỉ đạo, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng Bộ, ngành trong thực hiện mô hình; hoàn thiện tài liệu hướng dẫn thực hiện mô hình; tăng cường công tác truyền thông rộng rãi để các cơ quan chức năng, các tổ chức thay đổi nhận thức và cùng vào cuộc. Ông Nguyễn Xuân Lập đề nghị SAMHSA và SCDI ban hành cơ chế tài chính rõ ràng, hỗ trợ kỹ thuật cho các địa phương thực hiện mô hình.

 

Việc triển khai thí điểm thành công mô hình sẽ nâng cao hiệu quả công tác quản lý người sử dụng ma túy trái phép, người nghiện ma túy và cai nghiện ma túy, góp phần kiềm chế gia tăng số người nghiện mới, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội và phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững./.

 

Theo: http://pctnxh.molisa.gov.vn


Bản in