Liên kết Website

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

1
0
8
2
2
3
4

SỐ LƯỢT ĐANG ONLINE

0
0
0
0
0
0
2
Bản in
Thông tin tuyên truyền thứ sáu, Ngày 19/07/2024, 10:10

Cách chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết


Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (SXH) nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời có thể dẫn tới tử vong. Để điều trị hiệu quả, bệnh nhân SXH tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ và được chăm sóc đúng cách tránh các biến chứng có thể gặp phải.

 

Lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân SXH

 

Hiện nay chưa có vắc xin phòng SXH, bất kỳ ai cũng có khả năng mắc bệnh. Thậm chí một người đã mắc SXH vẫn có thể mắc lại.

 

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào mắc SXH cũng cần điều trị tại bệnh viện. Bác sĩ Cao Thị Tài, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông cho biết bệnh nhân SXH có thể được chỉ định điều trị tại nhà theo sự hướng dẫn của bác sĩ mà không cần nhập viện. Tuy nhiên, cần lưu ý một số vấn đề khi chăm sóc người bệnh SXH để tránh mắc sai lầm.

 

dscf4437(1).jpg

 

Nhân viên y tế khám bệnh cho bệnh nhân mắc SXH

 

Theo bác sĩ Cao Thị Tài, 3 ngày đầu, bệnh nhân có phản ứng sốt, người nhà bệnh nhân cần theo dõi sát. Tuy nhiên, người bệnh và người nhà không nên lạm dụng paracetamol liều cao để hạ sốt tới nhiệt độ bình thường. Như vậy, sẽ gây ngộ độc gan, làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể.

 

“Người nhà nên cho bệnh nhân uống paracetamol theo đúng chỉ định của bác sĩ để hạ sốt, kết hợp chườm mát ở vị trí bẹn, nách, các nếp gấp để làm mát cơ thể”, bác sĩ Tài khuyến cáo.

 

Trong thời gian điều trị tại nhà, người bệnh thường được cho bù nước cơ thể bằng dung dịch oresol hoặc nước hoa quả. Tuy nhiên, nhiều người chỉ uống 2 gói oresol pha trong một ít nước. Chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần pha đúng liều lượng theo chỉ định để tránh gây rối loạn điện giải của cơ thể. Khi bị SXH, người bệnh chú ý uống đủ nước trong khi sốt và ngay cả khi hết sốt, tránh uống quá ít hoặc quá nhiều.

 

dscf4449(1).jpg

 

Khi bị SXH người bệnh chú ý uống đủ nước trong khi sốt và ngay cả khi hết sốt, tránh uống quá ít hoặc quá nhiều

 

Bên cạnh đó, người bệnh chú ý nghỉ ngơi hợp lý kết hợp chế độ dinh dưỡng để nâng cao thể trạng. Chuyên gia lý giải, ở giai đoạn nguy hiểm của bệnh SXH, tiểu cầu giảm khiến chức năng gan ảnh hưởng, men gan tăng khiến người bệnh ăn uống khó khăn hơn, cảm thấy chán ăn.

 

Lúc này cần chế biến đồ ăn cho người bệnh dưới dạng mềm, lỏng và chia nhỏ bữa để dễ hấp thu. Thức ăn dưới dạng mềm, lỏng cũng giúp người bệnh tăng lượng nước hấp thu.

 

Người mắc SXH cũng được khuyến cáo hạn chế… tắm. Theo chuyên gia, ở những ngày sau khi hết sốt, nhiều người vì chủ quan nên tắm. Tuy nhiên, giai đoạn hết sốt là giai đoạn nguy hiểm khi tiểu cầu giảm kèm theo rối loạn vận mạch dễ xảy ra choáng váng, ngất xỉu. Một khi xảy ra va chạm, nếu có chảy máu sẽ rất khó cầm. Vì vậy người bị SXH nên hạn chế tắm, thay vào đó chỉ lau cơ thể bằng nước ấm và mặc quần áo thoáng.

 

dscf4499(1).jpg

 

Đồ ăn cho người bệnh mắc SXH cần mềm, lỏng và chia nhỏ bữa ăn để dễ hấp thu

 

Ngoài ra bệnh nhân bị SXH cần làm xét nghiệm công thức máu mỗi ngày để theo dõi lượng tiểu cầu. Đối với người khỏe mạnh, số lượng tiểu cầu trung bình trong máu từ 150- 450G/L. Tiểu cầu được coi là giảm khi số lượng còn dưới 150 G/L. Mức nguy hiểm khi tiểu cầu giảm dưới 50G/L, mức nghiêm trọng là 10-20G/L.

 

Từ ngày thứ 4-7 khi mắc bệnh, nếu người bệnh có các dấu hiệu như mệt lả, vã mồ hôi, chân tay lạnh, đau bụng, nôn, khó thở, chảy máu cam hoặc chân răng, xuất huyết dưới da, rong kinh (ở phụ nữ), tiểu cầu xuống dưới 50G/L,… cần được đưa đến ngay cơ sở y tế để điều trị, tránh biến chứng.

 

Khi trẻ nhỏ bị SXH

 

Với những người có bệnh lý nền, phụ nữ có thai, người già, trẻ nhỏ cần được theo dõi sát sao khi mắc SXH. Bởi đây là những đối tượng dễ có nguy cơ xảy ra biến chứng.

 

Bác sĩ Vũ Thị Nhịn, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, trong thời gian này, bệnh nhi nhập viện tại khoa do SXH tăng cao. Theo báo cáo 6 tháng đầu năm nay, bệnh nhân nhi nhập viện do SXH gần 300 trẻ, trong đó số bệnh nhi SXH nặng chiếm 10%.

 

Tại Khoa Nhi, trẻ em nhập viện do SXH được tiếp cận với y tế chuyên khoa. Các bé được các nhân viên y tế thăm khám hàng ngày, hàng giờ để theo dõi các dấu hiệu theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Với các trường hợp được chỉ định điều trị tại nhà, cha mẹ được nhân viên y tế hướng dẫn những lưu ý khi chăm sóc trẻ.

 

dscf4495(1).jpg

 

Nhân viên y tế đo huyết áp cho bệnh nhi mắc SXH

 

Chuyên gia cho biết, trẻ em khi mắc SXH nguy hiểm hơn người lớn nhiều. Nguyên nhân do hệ miễn dịch của trẻ em còn yếu nên khi mắc SXH, tỷ lệ dẫn tới các biến chứng như bị sốc, rối loạn chuyển hóa, suy đa tạng, suy hô hấp,… sẽ cao hơn so với người lớn.

 

Tuy nhiên, không phải bệnh nhân SXH nào cũng có những dấu hiệu như phát ban. Ngày thứ 4-5 (tính từ ngày sốt) là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh SXH. Vì vậy, cha mẹ không nên chủ quan khi con trẻ gặp các dấu hiệu bệnh SXH.

 

“Các em bé bị sốt, đặc biệt ở trong vùng dịch tễ lưu hành SXH, phụ huynh nên đưa các em tới các cơ sở y tế sớm nhất để được xét nghiệm máu, chẩn đoán sớm SXH”, bác sĩ Nhịn khuyến cáo.

 

SXH 2theo https://baodaknong.vn/


Bản in